Bệnh sốt xuất huyết là gì
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có 4 loại khác nhau, người bệnh nhiễm loại vi rút nào sẽ không bị bệnh khi nhiễm lại loại đó nhưng vẫn có thể mắc bệnh khi nhiễm loại vi rút khác. Do đó, một người đã mắc bệnh sốt xuất huyết 1 lần vẫn có thể mắc lại.
Đường lây truyền
Bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Muỗi vằn hút máu người có chứa mầm bệnh, sau đó đốt và truyền vi rút cho người lành.
Đặc điểm muỗi vằn truyền bệnh
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết (cũng là muỗi truyền bệnh do vi rút Zika) có màu đen, trên thân và chân có những vằn trắng. Chúng thường trú đậu ở nơi ẩm thấp, tối tăm như nơi treo quần áo, sau tủ, rèm cửa…; thường hút máu vào ban ngày, nhất là sáng sớm hoặc chiều tối.
Muỗi vằn đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch như: bể, chum, vại/lu, khạp; các đồ vật chứa nước trong gia đình như: bình hoa, bát kê chân chạn; các đồ vật phế thải: lốp xe hỏng, chai lọ vỡ, gáo dừa; các hốc tự nhiên…
Sự nguy hiểm của bệnh
Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh thường gây ra dịch lớn, gây khó khăn cho việc chăm sóc và chữa trị, có thể dẫn tới tử vong. Ai cũng có thể mắc bệnh, trẻ em dưới 15 tuổi nếu mắc bệnh sẽ nặng hơn.
Biểu hiện của bệnh
Sốt cao đột ngột 39 độ C trở lên (liên tục từ 2 – 7 ngày, khó hạ sốt) và có ít nhất 2 trong số các dấu hiệu sau:
- Xuất huyết: chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam….
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn
- Phát ban
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt
- Mệt li bì hoặc vật vã
- Đau bụng.
Biểu hiện nặng (biến chứng) của bệnh
Người bệnh sốt xuất huyết nặng có các biểu hiện: sốt cao, li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài ra máu.
Những việc cần làm khi chăm sóc người mắc bệnh
Đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết để được khám và chữa trị kịp thời.
Nếu người bệnh được chỉ định chữa bệnh tại nhà, cần thực hiện những việc sau:
- Cho người bệnh dùng thuốc và hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không sử dụng thuốc Aspirin để hạ sốt vì sẽ làm xuất huyết trầm trọng hơn.
- Cho người bệnh uống nhiều nước (oresol, nước cháo, nước dừa, nước ép trái cây…).
- Cho ăn thức ăn dễ tiêu: sữa, cháo hoặc súp.
Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế khi thấy một trong các dấu hiệu nặng như: sốt cao, li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài ra máu.
Các biện pháp phòng bệnh
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mỗi người cần thực hiện tốt những việc sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Toàn dân tích cực, chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết!
Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết!