ăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các nhóm trẻ gia đình; Nguy cơ cho sức khỏe của trẻ từ việc dùng khăn giấy ướt kém chất lượng; 9 tháng, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; ...
Tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các nhóm trẻ gia đình
Thực hiện yêu cầu tại Công văn của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tại địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình…(Công an nhân dân, trang 1)
Nguy cơ cho sức khỏe của trẻ từ việc dùng khăn giấy ướt kém chất lượng
Khi đưa con trai 8 tháng tuổi đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Phạm Thị Ngọc Dung (Láng Hạ, Hà Nội) mới tá hỏa khi biết cháu bé bị hăm đỏ, viêm da, là do chị đã sử dụng khăn giấy ướt kém chất lượng để vệ sinh cho con. Trường hợp như chị Dung không phải là hiếm. Những năm gần đây, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị dị ứng da, bị viêm da cấp tính, mẩn đỏ, do dùng khăn giấy ướt. Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng từng điều trị cho nhiều trẻ bị nhiễm trùng, nấm da hoặc dị ứng nhiều nơi trên cơ thể do dùng khăn ướt không đảm bảo…(Công an nhân dân, trang 2; An ninh thủ đô, trang 6).
9 tháng, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Báo cáo với Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành Trung ương về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2017, UBND tỉnh Nghệ an cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; đồng thời các ngành Công thương, Y tế, Nông nghiệp và PTNT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, xử lý 2.010 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng; thực hiện các biện pháp xử lý như phạt hành chính, đóng cửa cơ sở vi phạm, đình chỉ lưu hành sản phẩm và buộc tiêu huỷ sản phẩm không đảm bảo an toàn VSTP (Lao động, trang 3)
Nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần
Xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng nhiều khiến bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%. Số còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời, dễ dẫn đến những hệ lụy khôn lường…(Hà Nội mới, trang 5)
Mở rộng độ bao phủ, tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân
Ngày 29-11-2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới BHYT toàn dân (gọi tắt là Nghị quyết 68). Mới sau hai năm thực hiện Nghị quyết, với sự chỉ đạo, quyết tâm của Chính phủ cũng như sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã ngày một tăng và vượt mục tiêu ban đầu đặt ra…(Nhân dân, trang 4)
85% số bệnh viện vệ tinh giảm tỉ lệ người bệnh chuyển tuyến
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến trong các bệnh viện tham gia đề án bệnh viện vệ tinh (BVVT) giảm đáng kể. Có tới 85% số BVVT trong đề án giảm tỷ lệ chuyển tuyến, trong đó nhiều chuyên ngành có tỷ lệ giảm cao: tim mạch (giảm 98,5%); ung bướu (97%); ngoại khoa (98,5%)… so với trước khi triển khai mô hình BVVT…(Nhân dân, trang 5)
Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ sẽ không được cấp 1 lần như hiện nay
Thời gian tới, việc đào tạo liên tục cho các bác sĩ sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở y tế. Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra trình độ chuyên môn và cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ 2 năm/lần, thay vì việc cấp chứng chỉ duy nhất một lần như hiện nay. Trong khi đó, nhiều bệnh viện còn chưa thực sự quan tâm tới việc cập nhật và đào tạo cho bác sĩ của cơ sở mình.
Báo cáo tại Hội thảo đánh giá việc đào tạo liên tục và xây dựng lộ trình triển khai kiểm định chất lượng cho thấy có tới 30% bệnh viện không có kế hoạch đào tạo liên tục. Trong khi đó, việc đào tạo liên tục hay cập nhật kiến thức là sự sống còn của ngành y tế (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Cứu sống bé 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh hiếm gặp
Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi T.Ư) vừa nỗ lực cứu sống thành công bệnh nhi mới 2 tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Kíp kỹ thuật gồm những bác sĩ thuộc các chuyên khoa siêu âm, ngoại tim mạch, can thiệp tim mạch và các kỹ thuật viên đã thực hiện ca phẫu thuật suốt 4 tiếng để giữ lại mạng sống cho bé H…(Tiền phong, trang 6).