Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Trung tâm Y tế Thành phố Hải Phòng
Điểm báo ngày 26/9/2017
Tăng giám sát các doanh nghiệp dược phẩm; Giảm gánh nặng bằng y tế ngoại viện; Tủ thuốc sơ cấp cứu miễn phí; Chỉ đạo xử lý nạn “cò” trước bệnh viện, phòng khám; ...

   Tăng giám sát các doanh nghiệp dược phẩm

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Theo Văn phòng Chính phủ, xét báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả và vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, Phó thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…(Nông thôn ngày nay, trang 4)

 

 Giảm gánh nặng bằng y tế ngoại viện

Trước những bất cập của hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay, chính quyền và ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để cải thiện. Tuy nhiên, những biện pháp đang áp dụng không có khả năng giải quyết được các vấn đề của hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa vào chữa trị nội viện, mà đòi hỏi cần có giải pháp mới là y tế ngoại viện. Đây là vấn đề đặt ra tại hội nghị giải pháp ngoại viện, do Hội Y tế công cộng TPHCM tổ chức mới đây…(Sài Gòn giải phóng, trang 3) 

 

 Tủ thuốc sơ cấp cứu miễn phí

Chạy dọc theo tuyến đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TPHCM) không khó để nhìn thấy những tủ thuốc sơ cấp cứu miễn phí được gắn ở những vị trí dễ nhìn. Ai không may bị tai nạn ở đây sẽ được những người xung quanh sơ cứu kịp thời. Đây là một sáng kiến của Hội Chữ thập đỏ quận 8.

Hơn 40 tủ thuốc sơ cấp cứu miễn phí phục vụ cộng đồng đã được lắp đặt dọc con đường Phạm Thế Hiển nhằm phục vụ kịp thời việc xử lý vết thương cho người gặp tai nạn bất ngờ, giúp giảm thiệt hại cho người dân. Mỗi tủ sơ cấp cứu đều có bông băng, cồn sát trùng, kéo... và các dụng cụ có thể sơ cấp cứu và cầm máu tại chỗ. Đây là những tủ thuốc sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ quận 8 trang bị. Trên mỗi tủ sơ cấp cứu đều có số điện thoại của Hội Chữ thập đỏ quận 8 để người dân có thể liên lạc và nhờ hướng dẫn…(Sài Gòn giải phóng, trang 3) 

 

Chất lượng nước chạy thận tại các bệnh viện: Báo động quy trình kiểm soát quá lỏng lẻo

Ngày 25.9, Bộ Y tế đưa ra con số gây sốc là qua kiểm tra 70 bệnh viện cho thấy, tất cả các đơn vị chạy thận nhân tạo đều chưa có quy trình kiểm soát chất lượng nước, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về tần suất xét nghiệm và các chỉ tiêu xét nghiệm cũng như chưa có kịch bản ứng phó khi xảy ra sự cố chạy thận. Đây là vấn đề hết sức lo ngại khi sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khiến 8 người tử vong hồi tháng 5.2017 cho đến giờ vẫn chưa giải quyết hết hậu quả…(Lao động, trang 1) 

 

Chỉ đạo xử lý nạn “cò” trước bệnh viện, phòng khám

Ngày 25.9, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9.2017 do UBND TP.HCM tổ chức, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận nạn “cò” lộng hành trước nhiều bệnh viện, phòng khám trên địa bàn TP đúng như Báo Thanh Niên phản ánh qua bài viết “Cò” khám chữa bệnh lộng hành (số ra ngày 23.9). Theo ông Bỉnh, đây là vấn nạn bức xúc, xảy ra nhiều năm, mặc dù Sở đã nhiều lần phối hợp UBND các quận chỉ đạo công an kiểm tra, xử lý nhưng vẫn chưa dứt điểm được. Nguyên nhân chính là do bệnh viện quá tải, trong khi đó khoảng 50% người bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, vì muốn được khám nhanh và thiếu thông tin nên nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo của “cò”. Ông Bỉnh khẳng định sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm lãnh đạo bệnh viện, phòng khám, bác sĩ móc nối với “cò” để rút tiền người bệnh…(Thanh niên, trang 5) 

 

 Một người bị chết do viêm não Nhật Bản B ở Đắc Lắc

Sáng 25-9, Bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương vừa ghi nhận bệnh nhi tên Y Phi BKrông, sinh năm 2011, dân tộc Ê đê, buôn Mrê, xã Hòa Phú thành phố Buôn Ma Thuột, tử vong do viêm não Nhật Bản B (Y Phi BKrông chưa được tiêm phòng vắc xin viên não Nhật Bản B). Trước đó 25/8, Y Phi BKrông có biểu hiện sốt, đau đầu, co giật và được người nhà đưa đưa đi khám tại một phòng khám tư nhân, tuy nhiên bệnh không giảm. Đến trưa 26/8, Y Phi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk điều trị trong tình trạng lơ mơ, đồng tử 2 mm, cổ cứng, mạch 120 lần/phút. Theo xét nghiệm bằng kỹ thuật ELISA của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, bệnh nhi dương tính với viêm não Nhật Bản B (Nhân dân, trang 5).

 

Khuyến khích chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng

Ngày 25-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị "Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng" nhân kỷ niệm Ngày quốc tế người cao tuổi (1-10). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam dự và phát biểu ý kiến. Hội nghị có ba phiên toàn thể với các chủ đề: Chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT); quản lý các bệnh mãn tính thường gặp ở NCT tại cộng đồng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe NCT. Các báo cáo khoa học tại hội nghị đều tập trung vào vấn đề chính sách và kinh nghiệm trong triển khai chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng như: Tăng cường sự sẵn sàng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung vào quản lý bệnh mãn tính; nâng cao vai trò của bác sĩ gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ thay đổi lối sống và phòng bệnh, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động; khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, các tổ chức và cộng đồng xã hội phối hợp đầu tư trong chăm sóc sức khỏe NCT...(Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 3) 

nguồn: http://t5g.org.vn

Thông tin mới nhất




Đăng nhập